Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Ý tưởng hay, nhưng nhà nước có dám cho làm hay không hay lại sợ "diễn biến..."?

20 triệu áo, mũ in chữ U-NO, U gạch chéo giúp ngư dân bám biển
SGTT.VN - Rất nhiều người và tổ chức đã hưởng ứng chương trình Cùng ngư dân bám biển. Cần mở rộng đợt vận động để bà con người Việt khắp nơi trên thế giới đưa ra sáng kiến giúp ngư dân bám biển một cách bền vững, từ việc quyên góp tiền lập quỹ giúp đỡ cuộc sống cho bà con ngư dân, đến góp ý giúp họ cách làm ăn hiệu quả và nâng cao nhận thức cho tất cả mọi người dân về chủ quyền biển đảo.
U-NO, U bị gạch chéo, là phản đối, là nói không với đường lưỡi bò phi pháp của nhà cầm quyền Trung Quốc. Đồ hoạ: Hồng Thái
Mấu chốt là phải phá vỡ âm mưu bá chiếm Biển Đông của nhà cầm quyền Trung Quốc mà trước hết là sự đòi hỏi bất hợp pháp của họ với đường lưỡi bò (sau đây gọi là đường chữ U). Chính dựa vào cái đường chữ U phi lý đó mà các lực lượng của nhà cầm quyền Trung Quốc (kể cả quân sự trá hình dưới trướng lực lượng giám hải, kiểm ngư,…) đang ngày đêm quấy rối hoạt động làm ăn sinh sống của bà con ngư dân ta (và của bà con ngư dân các nước khác) vốn đã diễn ra từ ngàn đời nay. Phá bỏ đường chữ U phi pháp này là cách căn bản nhất, lâu bền nhất để giúp bà con ngư dân bám biển làm ăn, giúp củng cố hoà bình và an ninh khu vực và thế giới.
Tôi xin nêu ý tưởng có thể góp phần tích cực xoá bỏ đường chữ U phi pháp đồng thời vận động được tiền để giúp đỡ bà con ngư dân. Hãy sản xuất 10 triệu (hay vài trăm triệu?) chiếc áo, mũ với dòng chữ U-NO (chữ U có thể in đứt khúc) hay chữ U bị gạch chéo để nhà sản xuất vẫn có lời (vừa phải) mà người mua có thể ủng hộ thêm tiền giúp bà con ngư dân.
U-NO, U bị gạch chéo, là phản đối, là nói không với đường lưỡi bò phi pháp của nhà cầm quyền Trung Quốc. Dòng chữ này, biểu tượng này không chỉ dân ta cũng hiểu mà cả thế giới đều hiểu. Và có thể vận động phong trào này ở nhiều nước khác, không chỉ ở các nước liên quan như Philippines, Indonesia và Malaysia (kể cả vận động nhân dân Trung Quốc yêu hoà bình ở Trung Hoa đại lục và trên khắp thế giới).
Các nhà thiết kế hãy giúp thiết kế hàng chữ U-NO sao cho đa dạng, bắt mắt với từng loại áo (áo thun, áo mưa…), cũng như các loại biểu tượng chữ U bị gạch chéo sao cho hợp với các loại (màu, kích cỡ) mũ nón (bảo hiểm hay mũ thường bằng vải hay chất liệu khác) sao cho vừa dễ nhận dạng lại vừa thời trang. Họ hãy làm việc này miễn phí và các phương tiện truyền thông có thể đưa lên mạng, hướng dẫn cách thực hiện (in, phun sơn, mực, dán decal v.v.) để các nhà sản xuất, các bạn trẻ có thể tải về và thực hiện in, gắn trên áo, mũ của mình. Hãy vận động mỗi người đóng góp một ít tiền cho việc sử dụng biểu tượng này.
Giá bán có thể bằng giá mua của nhà sản xuất cộng thêm một số tiền nào đó tuỳ từng loại áo (mua là giúp ngư dân!) và phần “cộng thêm” này sẽ chuyển vào tài khoản mà ban tổ chức chương trình Cùng ngư dân bám biển đã mở.
Việc phân phối nên hội, đoàn và các nhóm thanh niên tình nguyện.
Các hội đoàn người Việt, Philippines, Indonesia, Malaysia ở nước ngoài hãy cùng nhau làm tương tự hay nêu ra các sáng kiến khác, thí dụ mặc áo hay có thể dán biểu tượng lên xe của mình và vận động bạn bè cùng làm vậy thì có thể có cả triệu xe ở Hoa Kỳ và Tây Âu được dán hình chữ U bị gạch chéo.
Áo, mũ chúng ta mang hàng ngày, bảy ngày/tuần. Mỗi biểu tượng trong mắt mỗi người mặc áo, đội mũ hay nhiều người nhìn thấy nó là sự nhắc nhở đến việc xoá bỏ đường lưỡi bò, nhắc nhở về lòng yêu nước, yêu hoà bình. Nếu vận động, đoàn kết được nhân dân các nước trong khu vực, trên thế giới, kể cả nhân dân Trung Quốc thì đấy là một sức mạnh khổng lồ, là một tiếng nói đanh thép góp phần ngăn chặn âm mưu hiện thực hoá đường chữ U phi pháp của nhà cầm quyền Trung Quốc.
NGUYỄN QUANG A
Ông Tạ Duy Hinh (quận Phú Nhuận, TP.HCM): Nhiều năm nay tôi làm công việc liên quan đến ngành khai thác biển, nên hiểu ngư dân khó khăn như thế nào mới duy trì được công việc của họ. Tôi vốn là bạn đọc thường xuyên của báo, nên khi đọc thư của ban biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị phát động chương trình này, tôi cho rằng đây là nghĩa vụ của mình. Ngư dân nước ta khổ quá, tôi chỉ mong sao sự đóng góp này sẽ giúp con em họ được học hành tử tế. Các bạn đang làm một việc rất ý nghĩa, dù quyên góp được ít hay nhiều thì tấm lòng của các bạn sẽ lay động và lan toả ra cộng đồng xã hội để mọi người cùng quan tâm giúp đỡ ngư dân. Tôi tin các bạn sẽ làm tốt và mong là sẽ có nhiều cá nhân và doanh nghiệp khác cùng chung tay ủng hộ chương trình của các bạn!
Bà Dương Thanh Thuỷ (chủ tịch HĐQT công ty cổ phần tập đoàn Trung Thuỷ, quận 1, TP.HCM): Trước mắt, chúng tôi ủng hộ 50 triệu đồng để quỹ EDF chăm lo cho việc học hành của con em ngư dân. Sau đó, chương trình làm tới đâu, công ty Trung Thuỷ sẽ theo giúp đến đó. Tôi rất tâm đắc với việc chương trình Cùng ngư dân bám biển sẽ trao học bổng để con em ngư dân có điều kiện đến trường và nâng cao kiến thức. Điều này từ lâu nằm trong tâm nguyện của tôi: mong ước được chia sẻ với cộng đồng bằng cách tạo điều kiện học hành cho giới trẻ. Trao con cá không bằng trao cho họ cần câu. Khi có kiến thức và kinh nghiệm, ngư dân của mình mới có sức mạnh để khai thác đánh bắt trên chính quê hương của mình. Nếu người dân mình không có đủ cơm no, áo ấm, con cái họ không được tạo điều kiện đến trường thì làm sao bảo họ yên tâm bám biển? Tôi cho rằng bảo vệ đất nước bằng cách giúp cho dân có cơm no, áo ấm, được học hành... là thực tế nhất. Mong sao chương trình này sẽ theo đuổi đến cùng các mục tiêu đề ra, đem đến hiệu quả là cải thiện được đời sống ngư dân hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét